Bánh gai Tứ Trụ – đặc sản quê Thanh

Từ lâu bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân) đã nổi tiếng là món quà quê dân dã. Vị ngọt thơm trong chiếc bánh đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức.

Làng Thịnh Mỹ hay còn được gọi là làng Mía, xã Thọ Diên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh gai. Khởi phát từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XV, những người dân làng Mía vẫn miệt mài giữ và phát triển nghề ngày một hưng thịnh hơn.

Ở đây, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người thợ ngồi quây quần gói bánh. Vị ngọt thơm của bánh tỏa ra khiến thực khách khó có thể kìm lòng.

Bánh gai Tứ Trụ - đặc sản quê Thanh

Để làm chiếc bánh nhỏ nhắn này, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khi bánh hình thành rất phức tạp, tất cả đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẫn và cả những kỹ năng của người thợ.

Lớp vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, bột lá gai và mật mía. Gạo nếp ngâm từ 2 đến 3 tiếng sau đó được xay mịn. Lá gai, nguyên liệu làm hương vị đặc trưng cho mỗi chiếc bánh, sau khi được chọn kỹ, luộc chín, rửa sạch, ép khô nghiền thành bột rồi mới đem trộn đều với gạo nếp và mật mía tạo nên hỗn hợp bột màu đen sánh nhuyễn.

Nhân bánh là thành phần không thể thiếu quyết định đến sự thơm ngon của bánh. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu chính như: đường, đậu xanh, dừa nạo và một ít dầu chuối. Màu vàng tươi mới của đậu xanh giã mịn cùng màu trắng của những sợi dừa nạo, hương thơm phảng phất tinh dầu chuối giúp cho mỗi chiếc bánh càng trở nên hấp dẫn.

Vỏ bánh đen bóng sau khi bọc đều bên ngoài nhân sẽ được rắc lên một lớp vừng trắng để tăng thêm độ bùi béo, vẻ bắt mắt và làm cho chiếc bánh dễ bóc hơn.

Sự hòa quyện từ vị dẻo mềm của gạo nếp, vị bùi thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn những sợi dừa tươi, sự ngọt ngào đặc trưng của mật mía… bánh gai Tứ Trụ đích thực là một món ngon dễ ăn, dễ “nghiện”.

Để mỗi chiếc bánh gai đạt chất lượng, nguyên liệu chính là bột và nhân bánh thôi chưa đủ mà chính nguyên liệu lá chuối cũng rất quan trong việc quyết định đến hương vị của sản phẩm. Lá chuối dùng làm bánh gai phải là lá chuối tiêu khô già tự nhiên trên cây chứ không phải lá chuối tươi được đem đi phơi nắng như nhiều người lầm tưởng. Loại lá khô nắng tự nhiên sẽ giúp cho lá có độ dai và mang đến mùi thơm đặc trưng cho bánh.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thắm, chủ Cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm, thôn Thịnh Mỹ 2, cho biết: Muốn bánh gai ngon, trước hết nguyên liệu phải chuẩn về chất lượng. Gạo nếp phải là gạo dẻo thơm, hạt đậu xanh chắc mẩy. Quá trình pha trộn nguyên liệu cũng phải đảm bảo đúng tỉ lệ và thêm một chút bí quyết gia truyền để tạo nên sự đặc biệt của bánh gai truyền thống địa phương.

Không quá cầu kỳ về hình thức, bánh gai Tứ Trụ mộc mạc, giản dị bởi màu nâu của lớp lá chuối khô, “điệu đà” hơn bởi sợi lạt hồng buộc bên ngoài thân bánh nhưng hương vị làm nên bởi những sản vật của cỏ cây, đồng ruộng làng quê vẫn hấp dẫn biết bao thực khách xa gần.

Nhờ chất lượng của sản phẩm, đến nay nghề truyền thống đã mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho nhiều hộ dân. Càng về thời điểm Tết Nguyên đán, lượng bánh được sản xuất càng tăng mạnh.

Ông Lê Văn Chức, Chủ tịch UBND Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân cho biết: Thông thường, toàn xã có hơn 40 hộ thuộc làng nghề chuyên sản xuất bánh gai, nhưng mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán thì có khoảng 100 hộ làm nghề. Tháng 1 – 2020, làng nghề bánh gai Tứ Trụ đã được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, mở ra cơ hội lớn cho quê hương Thọ Diên. Chúng tôi quyết tâm sẽ gìn giữ, xây dựng thương hiệu bánh gai Tứ Trụ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong cả nước.

Không chỉ là món quà quê dân dã, trong mỗi chiếc bánh gai Tứ Trụ như gói trọn cả tình người quê Thanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *