OVN – Làng nghề bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng là món quà quê dân dã, trở thành món đặc sản của xứ Thanh, được khách hàng trên cả nước biết đến.
Món bánh dân dã, đậm đà vị quê
Bánh gai là sự kết hợp tuyệt vời từ gạo nếp mềm dẻo, vị thơm của nhân đậu xanh trộn lẫn với những sợi dừa tươi cùng với sự ngọt ngào đặc trưng của mật mía đã để lại ấn tượng sâu đậu trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm vùng đất xứ Thanh.
Trong một chuyến về Lam Kinh, tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm. Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh bánh gai truyền thống này là ông Lê Hữu Lâm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề, gia đình ông Lâm đã sản xuất ra hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc điểm nổi bật của những chiếc bánh gai tại cơ sở Lâm Thắm là có nhiều loại, độ ngọt vừa phải, thơm cùng các công thức gia truyền để giữ được độ dẻo của bánh gai, đây là điều mà không phải cơ sở sản xuất bánh gai nào ở đây làm được.
Theo ông Lâm, bí quyết để làm ra một chiếc bánh gai là cần phải lựa chọn nguyên liệu kỹ càng và trải qua nhiều công đoạn. Các nguyên liệu làm bánh gai cũng rất gần gũi và quen thuộc với chúng ta như lá gai, gạo nếp, mật mía, đậu xanh, cùi dừa, vừng, thịt lợn, lá chuối khô để gói bánh và lạt Giang để buộc. Tuy nguyên liệu dễ tìm nhưng phải chọn lọc thật kỹ mới cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon.
Thành phẩm của một chiếc bánh gai đạt tiêu chuẩn là phải có mùi thơm của lá gai và lá chuối hòa quyện vào nhau, mùi thơm của các nguyên liệu bên trong nhân, bánh phải dẻo và chắc. Vào những ngày nắng nóng như mùa hè thì bánh chỉ bảo quản được 3 đến 4 ngày, còn muốn để lâu hơn thì nên bảo quản trong tủ lạnh khi nào ăn thì hấp lại.
Nâng tầm chất lượng sản phẩm
Không chỉ sử dụng công thức làm bánh và phương pháp sản xuất truyền thống, ông Lê Hữu Lâm còn sẵn sàng đi nhiều nơi để lắng nghe phản hồi của khách hàng để từ đó cải thiện chất lượng bánh. Ông còn đa dạng hóa thêm các sản phẩm để phục vụ nhu cầu khách hàng, đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện ông Lâm đang có 3 cơ sở sản xuất, mỗi ngày trung bình sản xuất khoảng 7 nghìn chiếc, ngày cao điểm có thể lên tới 1 vạn. Với giá bán lẻ từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/ chiếc, cơ sở Lâm Thắm mỗi tháng thu về một số tiền lớn.
Trong hơn 30 năm làm nghề tới nay, cơ sở sản xuất bánh gai của ông Lâm cũng đã đạt được nhiều thành công nhất định, được nhận bằng khen của tỉnh, chính quyền địa phương: Năm 2019 được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển mới cho sản phẩm.
Bên cạnh những nỗ lực, gia đình ông Lâm còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan chức năng địa phương trong các dự án phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sắp tới, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, làm mới mẫu mã, nâng tầm chất lượng sản phẩm. Hiện cơ sở đang tiếp tục hoàn hiện quy mô xưởng sản xuất, để tiến tới đạt sản phẩm OCOP 4 sao trong thời sớm nhất.